Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Chăm sóc trẻ bị thiếu cân như thế nào ?

Các bậc cha mẹ rất lo lắng khi họ sinh con nhẹ cân vì chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhẹ cân vô cùng khó khăn và vất vả. Vậy thế nào là trẻ nhẹ cân?
Kết quả hình ảnh cho trẻ thiếu cân

Các bậc cha mẹ rất lo lắng khi họ sinh con nhẹ cân vì chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhẹ cân vô cùng khó khăn và vất vả. Vậy thế nào là trẻ nhẹ cân? Trẻ nhẹ cân là những trẻ khi đẻ có cân nặng dưới 2.500g bất kể tuổi thai là bao nhiêu. Như vậy, trẻ nhẹ cân sẽ gồm trẻ đẻ non và trẻ suy dinh dưỡng trong tử cung. Trên toàn cầu trẻ nhẹ cân chiếm khoảng 15-16%, tức là khoảng 20 triệu trẻ ra đời trong một năm. Ở nước ta trẻ nhẹ cân chiếm khoảng 10% so với tổng số đẻ.

Việc chăm sóc nuôi dưỡng những trẻ này trong những ngày đầu sau đẻ vô cùng khó khăn. Với trẻ đẻ non, do chức năng tiêu hóa và điều hòa thân nhiệt kém, phổi chưa trưởng thành, dễ bị suy hô hấp, xẹp phổi, xuất huyết phổi, bệnh màng trong... Còn đối với trẻ suy dinh dưỡng trong tử cung thì thường có nguy cơ hạ đường huyết do thiếu glucogen dự trữ. Do vậy những thao tác chăm sóc trẻ đòi hỏi phải nhẹ nhàng, tỉ mỉ, thận trọng và bảo đảm vệ sinh, chú trọng ưu tiên những vấn đề sau:
Chống hạ thân nhiệt: Khi đứa trẻ mới chào đời, việc đầu tiên phải làm là giữ ấm cho trẻ. Sau đẻ, nhiệt độ cơ thể bắt đầu giảm dần vì trẻ phải tiếp xúc một cách đột ngột với môi trường bên ngoài có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của người mẹ. Trẻ nhẹ cân rất dễ bị hạ thân nhiệt vì lớp mỡ dưới da mỏng, khả năng sản sinh ra nhiệt kém. Trẻ ăn ít, không đủ năng lượng để chống đỡ với lạnh bên ngoài. Trung tâm điều hòa nhiệt độ hoạt động kém. Khi trẻ bị lạnh, các quá trình chuyển hóa trong cơ thể bị rối loạn. Trẻ bị phù cứng. Sức đề kháng giảm. Bệnh tật dễ xuất hiện và tiến triển nhanh, nhất là ở hệ hô hấp và tiêu hóa. Để đề phòng hạ thể nhiệt thì ngay sau đẻ bé phải được lau khô (vì toàn thân bé dính nước ối), mặc ấm rồi đưa bé ngay cho mẹ bế và cho bú. Việc cho bé bú sớm cũng giúp trẻ tránh hạ thân nhiệt.
Việc ăn uống của trẻ nhẹ cân cũng là vấn đề phức tạp: Trẻ nhẹ cân đòi hỏi nhiều năng lượng để phát triển nhanh về thể chất. Song bộ máy tiêu hóa còn non nớt, dung tích dạ dày quá bé, khả năng tiêu hóa thức ăn bị hạn chế. Ta phải biết những đặc điểm ấy để có cách cho ăn như thế nào cho hợp lý. Thức ăn tốt nhất, sinh lý nhất đối với trẻ là sữa mẹ. Sữa của bà mẹ đẻ non chứa nhiều protein hơn so với sữa của bà mẹ đẻ trẻ đủ tháng. Có nhiều protein chống nhiễm khuẩn. Đồng thời trẻ nhẹ cân cũng cần nhiều protein để phát triển nhanh. Vậy sữa của bà mẹ đẻ non nuôi trẻ đẻ non là lý tưởng nhất. Lượng sữa là bao nhiêu, kỹ thuật cho ăn như thế nào cho phù hợp với từng trẻ là điều vô cùng quan trọng.
Những trẻ sinh ra ở tuổi thai 28 tuần do áp lực hang môn vị thấp, khả năng làm rỗng dạ dày kém hơn, co thắt tâm vị kém nên trẻ dễ nôn trớ, trào ngược. Những trẻ cực non vài ngày đầu sau đẻ chưa có khả năng dung nạp thức ăn qua đường miệng. Nếu cố tình ép trẻ ăn có thể dẫn tới nôn, trớ, trào ngược, hít vào phổi, viêm phổi, ngừng thở, liệt ruột, viêm ruột hoại tử... Vì vậy nên áp dụng phương pháp nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch tức chăm sóc đặc biệt tại viện. Cũng có những trẻ tự bú yếu, lượng sữa không được nhiều, chưa đủ nhu cầu của cơ thể thì ta phải kết hợp vừa cho ăn qua đường miệng vừa truyền tĩnh mạch. Lượng sữa cho trẻ phụ thuộc vào cân nặng và ngày tuổi.
Ngày thứ nhất: Với trẻ đẻ non: 60ml/kg/24giờ; với trẻ suy dinh dưỡng: 90ml/kg/24 giờ.
Những ngày tiếp theo mỗi ngày tăng thêm 10ml/kg. Cứ tăng dần đến khi nào đạt được 180ml/kg/24 giờ. Lượng sữa trong ngày chia làm 8-10 bữa (cả ngày lẫn đêm).
- Trẻ có cân nặng từ 2.000g trở lên bú được thì cho bú mẹ trực tiếp. Bú bất kỳ khi nào trẻ muốn nhưng tối thiểu cũng phải bú được 8-9 lần trong ngày.
- Trẻ có cân nặng lúc đẻ từ 1.500g đến 2.000g nếu trẻ bú được thì cho bú mẹ trực tiếp. Bú theo nhu cầu. Nếu trẻ ngủ quá 3 giờ thì phải đánh thức trẻ dậy cho bú. Nếu trẻ bú yếu thì mẹ vắt sữa ra cốc dùng thìa cho trẻ ăn. Bảo đảm đủ lượng sữa trong ngày.
- Trẻ có cân nặng dưới 1.500g phần lớn trong những ngày đầu thường nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch (trừ trường hợp trẻ suy dinh dưỡng nặng có thể bú được). Mẹ phải vắt sữa để duy trì nguồn sữa. Sau vài ngày nếu trẻ ăn không nôn trớ thì mẹ vắt sữa thường xuyên 10-12 lần/ ngày để nhân viên y tế cho trẻ ăn qua ống thông miệng - dạ dày.
Dần dần tăng lượng sữa mẹ, giảm dần lượng dịch truyền cho đến khi trẻ có thể nhận đủ lượng sữa mẹ cần thiết thì dừng truyền tĩnh mạch. Khi trẻ có phản xạ bú thì cho trẻ bú mẹ trực tiếp.
Trường hợp nuôi trẻ chủ yếu bằng đường tĩnh mạch, cũng nên cho trẻ một chút sữa mẹ qua đường miệng để kích thích dịch vị, kích thích tiết mật và duy trì sự phát triển của niêm mạc ruột.
Ngoài ra, chăm sóc vệ sinh sạch sẽ cũng rất quan trọng. Trẻ nhẹ cân rất yếu ớt, khả năng chống đỡ với bệnh tật kém do đó rất dễ bị vi khuẩn tấn công. Chính vì vậy mà mọi khâu chăm sóc trẻ phải thật vệ sinh. Tã lót, quần áo, giường chiếu, các đồ dùng của trẻ đều phải sạch sẽ. Phải làm tốt các khâu chăm sóc rốn, chăm sóc da và niêm mạc vì đó là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét